1. Lord of the Flies (Chúa Ruồi) – William Golding
“Những ý tưởng lớn nhất lại là đơn giản nhất” (Bản dịch của Lê Chu Cầu)
Một hòn đảo bỏ hoang, một đại dương vô bờ và những cậu bé không có sự giám sát của người lớn. Đây là câu chuyện về một xã hội bị cách ly, thử nghiệm trên cộng đồng trẻ con. Một cuộc cách mạng. Máu đổ. Cái chết. Tác phẩm cho ta thấy để làm một nhà lãnh đạo, đầu óc tỉnh táo, khả năng suy nghĩ thấu đáo, tìm cách đạt được một thỏa hiệp và nhân tính là những nhân tố cần thiết đầu tiên.
2. The Running Man (tạm dịch: Người đàn ông chạy) – Stephen King
“Tự gọi tên mình hàng trăm lần và nhận ra mình chẳng là ai”
Trong một thị trấn bé nhỏ bình thường có một con người bình thường sinh sống. Hắn đang đắm chìm từ từ nhưng chắc chắn vào vực thẳm của sự căm ghét tột cùng bản thân mình và những người xung quanh. Và một khi đã có cơ hội, thì không cách nào ngăn được hắn cả. Nước Mĩ trở thành địa ngục trần gian, người người chết vì đói khát và cách duy nhất để kiếm chút tiền còm cõi là tham gia vào trò chơi tàn ác nhất do bộ óc lệch lạc đến méo mó của một tên tàn bạo nghĩ ra.
Tham khảo thêm: 7 thói quen xấu điển hình của sinh viên hiện nay
3. The Divine Comedy (Thần Khúc) – Dante
“Đến nửa đường đời,
Tôi thấy mình trong rừng tối,
Lạc mất đường chính đạo”
(Bản dịch của GS Nguyễn Văn Hoàn)
Có ai chưa từng nghe về Dante và 9 tầng địa ngục. Đây là dịp để ta hiểu hết về chúng và hiểu về quan điểm sự sống sau cái chết của Thiên Chúa Giáo thời kỳ Trung đại. Tất cả chúng ta rồi sẽ phải trả giá cho tội lỗi của mình, và cuốn sách này nhắc ta đừng quên lãng điều đó.
4. Faust – Johann von Goethe
“Ngay khi anh tin vào chính mình, anh sẽ biết được cách sống thế nào”
Một cuộc đánh cược giữa Thượng Đế và ác quỷ Mephistopheles về hành trình trở nên phi thường và nỗ lực của Faust cho lý tưởng và tự do của mình. Vở kịch này giúp chúng ta nhận thức được sự khác biệt giữa thiện và ác, hiểu thêm một số thần thoại của sử học cổ đại, và rành rẽ về nghệ thuật tranh luận.
5. The Art of Happiness (tạm dịch: Nghệ Thuật Sống Hạnh Phúc) – Dalai Lama
“Hạnh phúc được định đoạt do tình trạng của tâm hơn là do những biến chuyển bên ngoài” (Bản dịch của TK Thích Tâm Quang)
Nội dung của những bài phỏng vấn với Đức Đà Lai Lạt Ma có thể giúp các bạn sinh viên (và thực ra là tất cả mọi người) biết và hiểu được cách thức có được sự viên mãn trong cuộc sống và bắt đầu cảm nhận niềm hạnh phúc.
6. A River out of Eden (Dòng sông trôi khuất địa đàng) – Richard Dawkins
“Vũ trụ mà chúng ta quan sát sẽ có những thuộc tính hệt như chúng ta hình dung, nếu như sau cùng, nó không có những dự định, mục đích, không tà, không chính, mà chỉ có hư không vô cảm”
Cuốn sách này rất lý tưởng cho các bạn sinh viên muốn tìm hiểu về quá trình tiến hóa theo cách đơn giản và thú vị nhất. Tác giả đưa ra một lời giải thích rất tuyệt vời về sự hình thành và tiến hóa của vũ trụ, và sẽ chẳng có ai đành lòng chê tác phẩm này là nhàm chán.
Bạn chuẩn bị xin visa du học tại Mỹ, hãy tham khảo bài viết Bạn đã biết mẫu câu hỏi về kế hoạch học tập khi phỏng vấn xin visa du học Mỹ?
7. Uncle Tom’s Cabin (Túp lều bác Tom) – Harriet Beecher Stowe
“Đối xử với họ như với chó, anh sẽ có những con chó và những hành vi của chó. Đối đãi với họ như con người, anh sẽ có được công trình của con người”
Tác phẩm này là một phần bài học lịch sử của nhiều trường đại học cho dù nó nhận được phản ứng khen chê trái chiều. Nó phác họa lại một thời kỳ khủng hoảng và gây nhiều tranh cãi của lịch sử Hoa Kỳ mà nhiều tác giả và nhà viết tiểu luận từng miêu tả, và nó giúp cho giới trẻ hiểu được hệ giá trị và chuẩn mực của quốc gia mình, và thấy được đất nước của mình đã thay đổi như thế nào.
8. The Stranger (Người xa lạ) – Albert Camus
“Nếu có điều gì đó sắp xảy đến với tôi, tôi muốn được ở đó”
Sau khi đọc cuốn sách này, các bạn trẻ sẽ hiểu được những quyết định của chính mình quan trọng đến mức nào và đôi khi thế giới này thờ ơ ra sao. Câu chuyện về một người giết hại một người đàn ông mà chẳng hề cảm thấy tội lỗi cho thấy thế giới xung quanh chúng ta có thể ngu xuẩn lố bịch đến độ nào.
9. A Clockwork Orange (Tạm dịch: Quả Cam Đồng Hồ) – Anthony Burgess
“Khi một con người không còn quyền để lựa chọn, họ không còn là con người nữa”
Đây là câu chuyện trào phúng chỉ trích một xã hội chuyên chế hiện đại, nơi có xu hướng biến thế hệ trẻ thành cái gọi là “quả cam đồng hồ”, phục tùng ý muốn của những người lãnh đạo. Alex, một nhân vật phản diện khôn ngoan, tàn ác, đầy sức lôi cuốn, và là thủ lĩnh của một băng nhóm đường phố, cho rằng bạo lực là tinh hoa của cuộc sống, lại mắc vào gọng kìm sắt của một chương trình mới của nhà nước dành cho tội phạm tái hòa nhập, và chính anh lại trở thành nạn nhân của bạo lực.
10. Civilization and Its Discontent (Tạm dịch: Nền văn minh và sự bất mãn) – Sigmund Freud
“Hầu hết mọi người không thật sự mong muốn có tự do, bởi tự do luôn đi kèm với trách nhiệm, và hầu hết mọi người đều sợ hãi trách nhiệm”
Cuốn sách này là cuốn mà mọi sinh viên cần đọc chính bởi vì nó trình bày quan điểm và ý tưởng của Freud, một vấn đề vẫn đang là một phần văn hóa của chúng ta và vốn tri thức nhân loại. Đây là cơ hội tốt để hiểu rằng tại sao chúng ta lại sống trong xã hội theo cách thức hiện tại.
11. Paradise Lost (tạm dịch: Thiên đường đã mất) – John Milton
“Đôi khi cô đơn lại là xã hội tối ưu nhất”
Chúng ta đều biết điển tích Kinh Thánh về việc Lucifer, một thiên thần ngạo mạn đã rời bỏ ân huệ của Chúa, cám dỗ Adam và Eve đến đến với tội lỗi. Nhưng thực tế chúng ta chẳng biết gì về chính Lucifer. Paradise Lost cho chúng ta một góc nhìn khác về thiện và ác, và cho phép chúng ta tự quyết định xem bên nào là đúng.
12. Hamlet – William Shakespeare
“Chúng ta biết chúng ta là ai, nhưng không biết chúng ta có thể trở thành ai”
Hamlet, một trong những vở kịch nổi tiếng nhất của William Shakespeare, sẽ giúp ta tìm được câu trả lời cho những câu hỏi muôn thuở ta đã nghe không biết bao nhiêu lần: “Tồn tại hay không tồn tại?”. Đây là câu chuyện giúp ta biết chịu trách nhiệm cho tất cả những quyết định và hành động của mình.
13. To Kill a Mocking Bird (Giết con chim nhại) – Harper Lee
“Con không bao giờ thực sự hiểu một người cho đến khi con xem xét mọi việc từ quan điểm của người đó… tức là con sống và cư xử y như anh ta” (Bản dịch của Huỳnh Kim Oanh và Phạm Viêm Phương)
Đây là cuốn sách kể về quá trình trưởng thành của một cô bé, quá trình này trải qua những hành trình khám phá, đầy niềm vui, và tình bạn với những bạn bè cùng trang lứa. Cô bé cần phải học rất nhiều điều, về sự bất công của cuộc đời đối với trẻ em, kẻ yếu, hay với những con người có màu da khác. Từ đó mà chúng ta nhận ra rằng lòng tốt, sự đồng cảm và sự tương trợ lẫn nhau không hề phụ thuộc vào màu da, địa vị xã hội, hay định kiến. Tất cả chỉ phụ thuộc vào tâm hồn của con người mà thôi.